HOẠT ĐỘNG

hoạt động

Ngộ độc rượu do Methanol và cách phòng, tránh
Tue, 09/08/2022 10:00 | GMT +7
Methanol hay thường được gọi là cồn công nghiệp, có nhiều công dụng khác nhau: làm sơn, dung môi..., tuy nhiên chất này rất độc với cơ thể và hoàn toàn không được dùng làm rượu thực phẩm như ethanol.

Ngày 4/8/2022 tại TP. Thủ Đức đã xảy ra 01 vụ ngộ độc Methanol làm 02 người chết, 06 người đang trong tình trạng nguy kịch.

Do vậy, cần có những hiểu biết về ngộ độc methanol và cách phòng tránh để giảm thiểu tối đa nguy cơ tử vong do ngộ độc methanol.

Bản chất của rượu

     Rượu được điều chế từ Ethanol (ethyl alcohol, C2H5OH), tạo ra từ quá trình lên men đường (nguồn gốc duy nhất của loại ethanol dùng làm thực phẩm), cellulose hoặc tinh bột được tổng hợp hóa học trong công nghiệp được dùng làm thực phẩm (rượu uống, bia, dấm…) và nhiều mục đích khác (dùng để sát trùng, dung môi…) hoặc rượu tự nấu. Rượu được sản xuất trong công nghiệp đã được khử các chất độc còn rượu tự nấu không thể khử chất độc. Ethanol dễ dàng được hấp thu qua đường tiêu hóa (80% được hấp thu ở ruột non). Nếu dạ dày rỗng, nồng độ đỉnh của ethanol đạt được sau uống là 30 - 60 phút. Chuyển hóa ethanol chủ yếu tại gan, chỉ 2 - 15% ethanol được đào thải qua hơi thở, nước tiểu và qua da dưới dạng không đổi. Sau uống, nồng độ ethanol có thể đạt mức trên 100mg/dL, nồng độ này giảm khoảng 15 - 30mg/dL/h. Ethanol phân bố dễ dàng vào các môi trường có nước, dễ dàng qua hàng rào máu não, tan rất ít trong mỡ và gắn rất kém với protein.

     Loại rượu tự pha chế nguy hiểm nhất là loại có chứa Methanol (methyl alcohol, CH3OH). Đây là cồn công nghiệp (dùng trong công nghiệp) với nhiều cộng dụng khác nhau (làm sơn, lau chùi véc ni, dung môi…), hoàn toàn không được dùng làm rượu thực phẩm như ethanol. Nếu uống rượu tự pha chế bằng methanol, sau khi uống, methanol được hấp thu nhanh chóng và hoàn toàn qua đường tiêu hóa (nồng độ đỉnh đạt được sau 30 – 90 phút) gây ngộ độc rất nhanh và nặng. Methanol có thể hấp thu qua da và đường hô hấp.

Phòng ngừa ngộ độc methanol

 Việc lạm dụng rượu bia sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người sử dụng. Để đề phòng ngộ độc rượu, người tiêu dùng cần phải:

  • Lựa chọn chai rượu phải có đầy đủ nhãn mác với các thông tin như tên sản phẩm, tên - địa chỉ của nhà sản xuất hoặc nhập khẩu, thành phần, thời hạn sử dụng,

      - Nên chọn những hãng rượu uy tín lâu năm trên thị trường vì các loại rượu thủ công, nhỏ lẻ có thể không được kiểm tra chất lượng thường xuyên, nguyên liệu đầu vào, quá trình sản xuất không đảm bảo an toàn, không công bố chất lượng sản phẩm và không được cấp phép lưu hành.

      - Tuyệt đối không sử dụng các loại rượu trôi nổi, không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán trên thị trường.

     Cách phân biệt đối với rượu có cồn Methanol và rượu không có cồn Methanol:

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, rất khó phân biệt được giữa rượu an toàn (Ethanol) và rượu pha cồn công nghiệp (Methanol) bằng mắt thường hay khứu giác. Cách duy nhất để phân biệt là thực hiện xét nghiệm trong phòng thí nghiệm.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm dân gian có một số cách phân biệt rượu có cồn Methanol và rượu không có cồn Methanol như sau:

Thứ nhất, lật ngửa chai rượu lên, nếu rượu thật các bọt sẽ rất nhỏ rất mịn, đều và di chuyển chậm, lan tỏa ra các hướng khác nhau rồi mới cụm vào và nổi dần lên. Còn đối với rượu pha methanol thì bọt rượu rất to và đi lên theo hướng thẳng và lên rất nhanh.

Thứ 2, có thể đổ rượu ra lòng bàn tay và xát 2 tay vào nhau cho nóng lên. Nếu rượu thật sẽ bốc hơi rất nhanh.

Thứ 3, có thể cho rượu vào ngăn đá tủ lạnh. Nếu rượu thật sẽ không đông. Nếu rượu pha methanol sẽ bị đông lại.

Thứ 4, khi uống rượu có pha methanol sẽ có vị hơi ngọt chứ không đắng như rượu thông thường.

                                                                                                                                                                                                                Chi cục ATVSTP